Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

THƠ TÌNH CHƯA ĐỦ NGHĨA

THƠ TÌNH CHƯA ĐỦ NGHĨA

Anh có buồn em, buồn mấy bữa
Mà sầu nhân thế chẳng sao vơi
Thì thôi sợi tóc cần chi nhuộm
Sợi tóc là duyên đã ngã màu

Chợt đến, chợt đi, chợt quên, chợt nhớ
Một đời người chợt tỉnh mấy cơn mê?
Chân bước theo, hồn phách bảo quay về
Mầm gian dối có trong từng sự thật

Anh đã qua mấy đời tình chật vật
Nên sẵn lòng hào phóng với giai nhân
Gieo được câu thơ là thấy yên lòng
Nhưng khổ nỗi thơ tình chưa đủ nghĩa
-Hung8386


THƠ TÌNH LỞ DỠ …

Không gian dối, anh nói từng sự thật
Theo trí anh là vậy, nhớ nguyên xi
Anh được dạy cỏ cây là thực vật
Còn con người là có mắt có mi

Đâu gian dối, anh nói từng sự thật
Như vở kia, sách đó nói … Bởi vì …
Anh được dạy gần trăm năm, có lẽ
Chân lý là … như vậy, có sai chi!

Anh đong đưa mấy cuộc tình chật vật
Mà tình anh vẫn vậy … cứ phân vân
Giờ mới hiểu thơ tình chưa đủ nghĩa
Tội tình anh … Đâu giả với đâu chân??!

-thangCu

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

MƯA CŨ



Lá bay trên hè phố cũ
Giàn hoa vàng úa ngõ xưa
Tóc ngắn áo dài khiêu vũ
Hồn nhiên bay trốn cơn mưa

Mây ướt một chiều bối rối
Em ngang góc phố vô tình
Mưa đuổi bàn chân gõ vội
Dọc hè phố vãi thủy tinh

Sài gòn chợt mưa chợt nắng
Người mơ chợt thực chợt hư
Em xưa chợt còn chợt mất
Chợt đi chợt đến bây chừ

Lá bay trên hè phố cũ
Giàn hoa vàng úa ngõ xưa
Ta bỏ tháng ngày phong vũ
Quay về chờ đợi cơn mưa

Ngày 27/08/2013
-thangCu

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

THƠ VUI THÁNG TƯ






THƠ VUI THÁNG TƯ

Nguyễn Buồn Nguyễn Vui
Nguyễn Nam Nguyễn Bắc
Nguyễn Thắng Nguyễn Thua
Cả hai thèng Nguyễn cùng thua thèng Tàu.

Bây giờ hai Nguyễn ở đâu?
-Trôi sông lạc chợ Địa Cầu đó em!

Hết ngày rồi lại tới đêm
Bốn ngàn năm vẫn chưa thèm diệt vong.

-thangCu
30.4.2013

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Viết về anh tôi

Anh tôi, người thầy lớn đầu tiên của đời tôi


Trong quá trình đi học, tôi được rất nhiều thầy cô dìu dắt, dạy dỗ. Trong đó có một số người ảnh hưởng lớn đến sự phát triễn của tôi, định hình nên tôi ngày hôm nay. Tôi gọi đó là những người thầy lớn trong đời tôi. Đặc biệt có một người không phải là thầy giáo, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình đi học của tôi lúc nhỏ, đã gieo rắc vào trong tôi niềm đam mê học từ nhỏ đó là anh trai tôi.

Anh trai tôi tuy học không cao (lớp 11 trước giải phóng), nhưng với tình tò mò ham hiểu biết lại sáng dạ, khéo tay và tốt bụng nên được nhiều người tôn trọng và yêu quý. Hầu hết bạn bè của tôi ở quê đều biết anh tôi và thường gọi anh tôi với cái tên đơn giản nhưng triều mến: Anh Ba.

Khởi đầu đi học của tôi là một cực hình với anh trai tôi. Hai năm tôi học lớp vở lòng là 2 năm anh đưa đón. Không hiểu sao hồi đó tôi sợ đi học kinh khủng. Anh tôi còn ở cửa lớp thì tôi còn trong lớp, anh tôi quay về thì tôi cũng tìm cách trốn về. Nhờ những trận đòn “nhừ tử” của anh tôi, tôi mới có được những con chữ đầu đời. Thành tích nổi bật là một lần anh tôi dùng búa đập toát ngón chân cái của tôi (sau này nhìn lại không thấy vết sẹo nào ở đó hết!), và một lần anh ném tôi xuống ao bà Bảy Nghi. Thấy tôi bị đòn nhiều quá, mẹ tôi xót: “thôi, chấp nhận cho nó dốt đi, đánh nó quá, lỡ có chuyện gì thì khổ”.

Đỡ, qua lớp 1, vào trường công gần nhà, tôi không còn nhát học nữa. Không cần tiền “hối lộ” của mẹ, không nhờ sự “trấn áp” của anh, tôi vẫn đi học đều. Trận đòn cuối cùng của anh tôi với tôi là lúc sau giải phóng (bỏ một thời gian dài nghỉ học từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1975), vào đi học lại, tôi viết sai chính tả tên của mình (cái tên lằn ngoằn khó viết thiệt).

Tháng học đầu tiên của năm học sau giải phóng (lớp 2) tôi đứng thứ hạng 21 trong lớp. Đến cuối năm, tôi lên hạng nhất. Tiến bộ này, tôi nghĩ, không phải nhờ anh tôi kèm tôi học. Vì thực tế, từ đó trở đi anh tôi không kèm tôi học nữa, và cũng chẳng bao giờ nhìn vào bài vở của tôi.

Ảnh hưởng của anh tôi đối với sự học của tôi là ở chổ khác, quan trọng hơn nhiều, và mãi sau này (khi có kiến thức về sư phạm) tôi mới nhận ra. Ảnh hưởng đó được coi là chức năng đầu tiên của người thầy: giáo dục thái độ, giáo dục nhu cầu. Khi người thầy làm cho học trò của mình có nhu cầu học tập, muốn biết và dám biết (chữ dám biết sau này tôi mới dùng), thì dù có đốt sách, giết thầy, rồi học trò cũng sẽ tìm cách để biết được điều mình muốn biết. Khi chức năng này của người thầy đạt được thì những chức năng còn lại như truyền đạt tri thức, hướng dẫn phương pháp, hình thành phong cách sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Trước khi anh tôi lập gia đình và có con (1980), tôi là “cục cưng” của anh tôi. Tôi thường được ngồi ở yên sau hay ở đòn ngang phía trước (khi anh tôi phải chở chị dâu tôi) trên xe đạp mỗi khi anh tôi đi đâu đó, khi thì đi thăm bạn bè, đi công việc, đi về quê nội ... Tôi đặc biệt thích mỗi lần được anh tôi chở về quê nội (chị dâu tôi cũng ở gần quê nội tôi).

Cùng với anh tôi, trên chiếc xe đạp, tôi bắt đầu làm quen: tại sao có mặt trời mọc rồi lặn, tại sao có mưa, gió, sấm, chớp, núi, sông... Những điều này tôi có thể giải thích trôi chảy trước khi được tiếp cận nó ở nhà trường. Hồi đó, việc học đối với tôi hết sức thú vị và đơn giản. Trước năm lớp 8, tôi gần như không bao giờ phải học bài hay làm bài ở nhà.

Qua anh tôi, tôi được làm quen với những khái niệm vật lý như đòn bẫy, ròng rọc, công, năng lượng, dòng điện từ hồi tiểu học. Nhờ đó mà tôi học tốt môn vật lý sau này. Hồi đó, anh tôi có nói với tôi về máy móc, nhưng tôi không nhớ nhiều. Có lần anh tôi nói với tôi về chuyện lạ của cái cầu xe mà anh phát hiện: “quay bánh xe bên này chạy tới, thì bánh xe bên kia chạy lui”. Buổi tham quan xưởng ô tô đầu tiên khi vào SPKT tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình cắt của cầu xe (bộ vi sai) khi nhớ lại chuyện xưa. Giải thích được hoạt động của vi sai trong buổi tham quan này là một Eureka đối với tôi.

Trên xe đạp, cùng với anh tôi, tôi làm quen với các bài toán nhìn thấy được xung quanh. Nhờ đó mà tôi giỏi làm toán đố năm lớp 4, lớp 5, đặc biệt rất “siêu” với những bài toán về chuyển động. Điều đó cũng giúp tôi sau này, nhìn đâu cũng ra toán, và giỏi toán ứng dụng.

Hồi đó, tôi có nghe anh tôi nói: “ Triết là triệt là đi đến tận cùng”. Tôi chẳng hiểu gì mấy, nhưng cũng bắt đầu biết đặt câu hỏi phía sau những câu hỏi và cũng bắt đầu biết nghi ngờ khi thấy giải thích nào đó còn “lủng củng” không chặt chẻ.

Có thể là tình cờ, nhưng qua những câu chuyện như vừa kể, anh tôi đã gieo vào trong tôi óc tò mò, ham biết, khi đã biết thì muốn biết tới nơi tới chốn. Đây là những mầm mống rất cần cho sự học của tôi sau này.

Từ năm 1981, gia đình tôi đi xuống, rồi gặp nạn. Anh tôi ra riêng, ít còn gần gũi với tôi. Không đến mức buồn chán và biếng học, nhưng sự học với tôi không còn nhiều hứng khởi như trước. Tôi thụt vào “vỏ ốc” của mình, chìm đắm trong suy tưởng với những dự án kỹ thuật của riêng mình. Chỉ một phần rất nhỏ trong số đó đã được hiện thực. Nhưng nhờ những suy tưởng trong thời gian này mà tôi có được tư duy kỹ thuật và óc thiết kế sau này.

Cuối năm lớp 9, anh tôi định cho tôi nghỉ học để theo học nghề thợ sửa điện tử. Nhưng rồi gặp trục trặc nên tôi được đi học tiếp. Trong suốt những năm cấp 2, cấp 3, tuy thường chìm đắm trong những dự án kỹ thuật lớn lao nhưng tôi vẫn có ước mơ rất thực tế: trở thành một người công nhân (tôi nói hết sức thiệt tình, có thể là do tự ti hồi đó, cũng có thể là do bị “nhồi sọ”).

Năm lớp 12, tôi có chút thành tích về học tập (HS giỏi môn vật lý của tỉnh Nghĩa Bình – Quảng Ngãi + Bình Định bây giờ). Nhưng cũng chỉ giúp được tôi trong loanh quanh 2 chữ: tự ti – tự tin.

Tôi vào đại học một cách may mắn và tình cờ qua cửa Trung học chuyên nghiệp. Hồi đó, Thầy Lê Hoàng Bình hay ghẹo tụi tui là “Khoa quẹo trái”.

Rời quê nghèo ra phố lớn, quá nhiều cái mới cái hay đến với tôi. Óc tò mò, ham biết trong tôi như được tưới nước, nảy mầm. Cùng với phong trào đổi mới của đất nước sau năm 1986, đặc biệt là trong đổi mới giáo dục đại học sau đó, tôi lao vào học “như điên”, cái gì cũng muốn học, cái gì cũng muốn đọc. Cái biết này kéo theo cái muốn biết khác, cứ thế. Trước đây có nghe, nhưng không mấy tin là có “nhu cầu học tập”. Cá nhân tôi, trải qua trong giai đoạn này, thì thấy thiệt là đúng.

Ra trường, đi làm, nhiều cái mới muốn biết lại đến, lại tiếp....

Giờ này, đã qua hơn nửa đời người, tôi không được nhìn nhận như một người khéo tay có khiếu kỹ thuật như truyền thống gia đình. Thay vào đó được nhìn ra như một người với một "bụng lý thuyết" và hay “lý sự”. Thấy có vẻ lạ, nhưng thật ra không khó để giải thích nếu biết những gì anh tôi đã gieo vào trong tôi từ hơn 30 năm trước.

Tôi nhận ra điều này từ cách đây khá lâu, nhưng chưa bao giờ nói với ai, kể cả với anh trai tôi. Tôi viết những dòng này nhân kỷ niệm một năm ngày mất của anh tôi, để nói với vong linh của anh tôi rằng: anh tôi đã định hình nên thằng tôi ngày hôm nay.

Anh tôi không phải là thầy giáo. Bằng chức năng của người thầy, anh tôi đã ảnh hưởng đến tôi, giúp tôi có được ngày hôm nay. Nhưng anh đã không dạy được con anh như vậy, đây là trăn trở của tôi về gia đình và giáo dục gia đình. Tôi, hiện nay được coi là người có thiên hướng làm thầy, nhưng không chắc có được ảnh hưởng tốt đến thế hệ sau như anh tôi, lại tiếp tục trăn trở.

Huỳnh Tấn Thuyết, Xuân Quý Tỵ 2013