“… Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”

VỤN VẶT … MIỀN KÝ ỨC

TẤM LÒNG CỦA MỘT NGƯỜI THẦY!

….
Đọc những dòng tâm sự của những ký ức thuở xa xưa về những người bạn, về trường … của Hữu Phu, thằng DuyCyclo tôi lại nhớ về một người Thầy của thuở ấu thơ. Mạn phép mượn chút đất của diễn dàn gửi đến các bạn câu chuyện nhỏ về Thầy – một tấm gương đã soi rọi những tia nắng ấm áp cho lũ học trò chúng tôi của những năm thập niên 80 – thay cho lời TRI ÂN mà chúng tôi còn nợ.
Năm chúng tôi học lớp 8 (1980-1981) Trường PTCS Đức Hiệp, ngôi trường đã hơi cũ vì được xây dựng từ trước năm 1975 trên địa bàn Thôn Nghĩa Lập. Vào năm học mới, lớp chúng tôi vô cùng hứng khởi vì đón nhận được tin vui: Có Thầy chủ nhiệm mới. Trong buổi chào cờ, nhìn lên hàng ghế dành cho giáo viên, thoáng chút ngỡ ngàng khi chúng tôi phát hiện Thầy chủ nhiệm của mình có gương mặt vô cùng … măng tơ (vì chỉ có 01 Thầy và 03 Cô thôi) và một cái tên ấn tượng, làm tất cả mọi người … cười ồ lên: TRẦN HỮU HÁN.
Thầy thậm chí còn nhỏ tuổi hơn một vài vị trong lớp, do có những anh chị trước đây ở trên vùng Cách mạng nên chuyện học hành bị gián đoạn. Vì thế khi vào trong lớp, có lẽ Thầy cũng hơi choáng ngợp, không những về những cô cậu học trò lớn tuổi, mà còn vì sự bạo dạn, tinh nghịch có phần hơi quá đáng của chúng tôi. Ấn tượng ban đầu của chúng tôi chỉ đơn giản là một Thầy giáo vừa ra trường, trẻ trung, hiền lành và … chấm hết! Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Thầy đã làm thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ ban đầu và chúng tối đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Hối ấy, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, có lẽ không cần phải nói đi nói lại nhiều lần nữa nhỉ?! Hầu như tất cả chúng tôi cuốc bộ đi học với đoạn đường đi về gần cả chục km. Sách thì thôi khỏi nói. Cả tổ hơn 10 người phải chuyền tay nhau 1,2 cuốn sách thuộc nhóm quý hiếm như: Toán, Vật Lý, Hóa … Và chương trình dạy, học thêm gần như không có, tự lực cánh sinh là chính. Khi cảm nhận được trình độ học sinh trong lớp học không đều và cũng không tốt lắm các môn tự nhiên, Thầy đã lên kế hoạch phụ đạo cho cả lớp môn Toán, cho dù chuyên môn chính của Thầy là Hóa - Sinh. Đêm đêm, tất cả chúng tôi cùng tề tựu về trường. Mỗi bạn mang theo một cái đèn dầu (làm gì có điện?!), ngay cả sử dụng loại dầu hỏa màu trắng cũng thuộc dạng xa xỉ phẩm, chủ yếu là dầu a-zon đỏ quạch mà thôi. Chỉ có điều đặc biệt là chúng tôi học … miễn phí! Suốt cả năm học đó Thầy không hề lấy dù một khoản thù lao dù ít ỏi nào. Dù có đứa học đứa không, đứa nghịch ngợm, phá phách, nhưng Thầy chưa bao giờ tỏ ý phàn nàn, Thầy chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ và chú tâm truyền đạt kiến thức. Học xong cả lũ chúng tôi ở ngủ luôn tại lớp để sáng hôm sau học tiếp luôn.(Có rất nhiều câu chuyện vui, khôi hài trong khoản thời gian này, nếu có dịp tôi sẽ kể lại cho các bạn nghe nhé!). Và từ đó, phong trào dạy phụ đạo … miễn phí lan tỏa khắp cả trường, tất nhiên những người được lợi là lũ Học sinh chúng tôi. Điều đáng quý và đáng nói ở đây, Thầy là người tiên phong và là điếm nhấn tạo ra sức bật cho phong trào dạy học vì tình thương chứ không đơn thuần vì miếng cơm, manh áo, đặc biệt trong thời bao cấp, giá trị của nó được nhân lên gấp bội lần.
Ngay Tết năm ấy, có nghĩa chỉ sau 01 học kỳ bên nhau, nhẽ ra Thầy sẽ trở về quê Nghệ An để đón Tết cùng gia đình. Nhưng lũ con trai chúng tôi hay chơi thân với Thầy (khoảng 10 tên) cứ nài nỉ Thầy ở lại ăn Tết Quãng Ngãi. Cuối cùng Thầy đồng ý. Những ngày cận Tết là vui nhất, ngoài một ít thời gian giúp đỡ gia đình ra, cả đám chúng tôi kéo nhau xuống nhà chơi cho Thầy đỡ buồn. Nói là nhà cho sang, thực ra đó là căn hộ tập thể mà nhà trường xây dựng cho các Thầy, Cô ở xa ngụ lại, chỉ là căn nhà nhỏ lợp bằng rạ, trát đất, nhưng bên trong tràn đầy niềm vui và đầy ắp tiếng cười. Lúc ấy, tôi còn nhớ mối tháng Thầy nhận được đâu khoảng 18 – 21 kg gạo tiêu chuẩn. Và cũng nhận chừng ấy gạo để chuẩn bị ăn Tết. Vừa nhận xong, cả đám chúng tôi ở lại chơi chỉ có mấy ngày là hết sạch gạo của Thầy. Thế là lũ chúng tôi mời Thầy lên nhà từng đứa một. Thầy rất ngại, nhưng khi được gia đình đón tiếp rất nhiệt tình nên cảm giác xa lạ của Thầy cũng qua đi. Mấy ngày Tết mỗi đứa xin một ít quà bánh mang xuống và vui với Thầy (Chứ chúng tôi ăn sạch sành sanh của Thầy rồi còn gì cho Thầy ăn nữa?!). Một cái Tết đầu tiên trong cuộc đời Thầy ở quê hương Quảng Ngãi dần trôi qua như thế. Sau này, Thầy chọn nơi này là quê hương thứ hai, và cũng đã có nhiều cái Tết, nhưng tôi nghĩ, cái Tết đầu tiên sẽ mãi mãi không bao giờ phai trong ký ức của Thầy.
..........................…