Đầu tiên tôi cám ơn em Phạm Thuỷ Cương ở Đà Nẵng đã cho tôi mượn xe để về quê. Có chiếc xe, tôi như mọc thêm chân, nên đi được nhiều hơn, chủ động hơn. Tôi cũng xin cám ơn và rất trân trọng tình cảm mà Cương đã dành cho tôi trong gần 10 năm qua. Em là một trong số ít người vẫn luôn kêu tôi bằng Thầy mặc dù không nhất thiết phải vậy, nhiều người đã chuyển từ “Thầy” sang “Anh” từ lâu. Xin cầu chúc cho em gặt hái được nhiều thanh công trên con đường phía trước.


Việc có ý nghĩa đầu tiên với tôi khi về quê dịp này là đi thắp nhang cho ông bà. Đúng như bạn tôi nói –“đi xa, bỏ lâu làm cho mọi thứ bị lu lấp”. Một nén nhang, trước tiên là tạ lỗi với ông bà, để nhớ về nguồn cội, để kết nối quá khứ với hiện tại và gợi mở tương lai. Tôi cũng xin tạ lỗi và cám ơn bà con, anh em, các cháu đã tham gia xây lại mồ mả cho ông bà mấy năm trước mà tôi không về được.


Việc có ý nghĩa thứ hai, Tôi có dịp đi thăm ông bà, cậu, dì, cô, chú, đặc biệt là những người lớn tuổi. Tục này ở quê mình gọi là “Mừng Tuổi”, 15 năm rồi tôi mới có trãi nghiệm trở lại, thiệt là thiếu sót. Không biết những người tôi đi thăm có thêm được nhiều tuổi nữa không, nhưng tôi sợ có thể đây là lần cuối tôi được gặp mặt.


Tôi có dịp gặp lại những người bạn tri kỹ, lòng vòng một số nơi mà với tôi thuở xưa là cả “một trời kỷ niệm”. Đến để gợi nhớ, để ký ức quay về, và còn để … nghe trách móc. Tôi cũng tự khen tôi, trí nhớ “trẻ thơ” của tôi cũng còn tốt. Nhưng rồi … con người ta cũng phải trở thành người lớn thôi.


Và cuối cùng là “Tết Thầy”, “Tết Bạn”, Tôi xin cám ơn Thầy Dũng, “Ông Sui” của Thầy Dũng, cùng tất cả các bạn có mặt trong buổi họp mặt tối 11 tháng giêng (AL ) ở Lâm Viên Cát. Đặc biệt cám ơn 2 bạn Trần Văn Tạo và Nguyễn Hữu Phu người đã thiết kế buổi tiệc, và huy động anh em họp mặt “Nhân dịp Thuyết về”. Thực tình, khi nghe các bạn nhắc đi nhắc lại “nhân dịp Thuyết về”, Thuyết tôi “mát từng khúc ruột”, rất cảm động, xin cám ơn. Tôi nghĩ, anh em đồng hương Mộ Đức II xa quê nghe câu này, chắc phải sắp hàng chờ đến lượt về Quảng Ngãi.


Cuối tiệc, anh em đề nghị tôi phát biểu, nhưng vì bản tính “kiệm lời” lại sợ lúc đó “bia nói” chứ không phải “Thuyết nói” nên không phát biểu. Giờ, tỉnh táo hơn, xin phát biểu với các bạn như sau: Thuyết đồng ý rằng “giỗ là giỗ, chạp là chạp”, nhưng một cách tổng thể, thì “chạp” phải lớn hơn “giỗ”, vì “giỗ” là việc của một nhà còn “chạp” là việc của một họ tộc. Thuyết đồng ý khoá 83-86 sẽ tổ chức họp mặt “Kỷ niệm 25 năm ra trường” nhưng không nên làm quá “hoành tráng”, còn để dành “tài lực” cho “kỷ niệm 30 năm thành lập trường” năm tới. Hiện giờ, anh em cựu học sinh (CHS) của trường ta sinh hoạt theo nhóm quen biết và nhóm CHS từng khoá, chứ chưa có Hội CHS của trường. Thuyết nghĩ, chúng ta nên liên lạc với các khoá khác, xúc tiến thành lập ban liên lạc hội CHS của trường. Hội CHS của trường sẽ có sức huy động lớn hơn, có ngân quỹ lớn hơn, để lo những việc chung hơn, và đở chồng chéo, ví dụ như việc phối hợp với nhà trường tổ chức “kỷ niệm 30 năm thành lập trường”, hay trao học bổng cho HS trong trường. Thuyết nghĩ, hội CHS 83-86 là một nhà, còn hội CHS Mộ Đức II là một họ tộc, có việc riêng của từng nhà nhưng cũng có việc chung của cả họ tộc. Cơ bản, một họ tộc phải lớn hơn một nhà. Trong hoàn cảnh này, nên phát huy “lợi thế” của từng “nhà” để việc của “cả họ tộc” được thành công tốt đẹp.


Một chuyến về quê, với hai ngày “lở tết”, nhưng cũng tạm đủ để làm được việc của 3 ngày tết: “mùng một là tết ông bà, mùng hai tết bạn, mùng ba tết thầy”. Về quê để nhớ về nguồn cội, để nhớ về nơi mình được sinh ra và lớn lên, để biết nhờ đâu mình được thế này. Về để gặp người thân, bạn bè; về để ký ức quay về; về để còn nhớ hồi xưa … còn có…. Nhớ để biết mình phải sống “người” hơn.

“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người”