Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Vụn vặt ..... Miền Ký Ức ....- Mộ Đức 2 của tôi ...(2)

Lớp 12C1 cuối năm  học 1985-1986
“… Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”

VỤN VẶT … MIỀN KÝ ỨC

Nhìn hình ảnh trường mình giờ khang trang hơn xưa nhiều, thấy ấm lòng. Vậy là các thế hệ sau không còn phải chạnh lòng khi bước ra bên ngoài như thời của chúng tôi ngày trước. Vì khi chúng ta khai trường, các trường bạn như Trần Quốc Tuấn, Tư Nghĩa đã bề thế lắm rồi.
Các bạn hãy nhìn thử một lần tấm hình trên nhé. Ngày khai trường - 1982 - nơi này đã đón hơn 450 học sinh của 03 khối. Theo trí nhớ của tôi, tổng số lớp bao gồm: 07 lớp 10( 01 lớp 10 ngoài kế hoạch); 04 lớp 11 và 02 lớp 12 (có 01 lớp 12 ngoài kế hoạch). Tôi chỉ nhớ được một số Thầy, Cô chủ nhiệm các lớp 10 lúc đó. Cô … Lời (Sinh Vật) 10A; Thầy Lê Văn Tường (Vật Lý) 10B, Thầy Phạm Hữu Nam 10C; Thầy … Hưng (Vật Lý) 10D; Thầy … Vũ (Văn) 10E (?); Thầy Trình (Toán) 10F; còn lớp 10 ngoài kế hoạch mình… chịu. Tuy cơ ngơi, trang thiết bị rất đơn giản, còn thiếu thốn nhiều, nhưng các thế hệ chúng tôi lớp trước vẫn vô cùng tự hào mình là thành viên của ngôi trường Mộ Đức 2. Và vì tận sâu trong đáy lòng mình, với chúng tôi (và cả các bạn nữa chứ?!), đây là một trong những chiếc nôi đã cho chúng tôi tri thức để vào đời, góp phần rèn giũa cho chúng tôi thành người như ngày hôm nay.
Trường ta được xây dựng trên một không gian rộng, và cũng đầy phóng khoáng, tựa như tấm ngực trần vạm vỡ còn đậm nét hoang sơ của các chàng trai núi rừng Tây nguyên. Gió lồng lộng bốn mùa tràn vào từng ngóc ngách (không lộng sao được khi hầu hết các phòng đều chưa có được cánh cửa nào?! Hix hix…). Vào mùa mưa, thi thoảng những giọt nước nương theo những làn gió bay vào lớp học, các bạn phải xúm xít nhường nhau chổ ngồi cho khỏi ướt.
Có một trò trẻ con liên quan đến bàn ghế, chắc bây giờ không tìm thấy nữa. Trường ta lúc đó còn nghèo, vì thế cơ sở vật chất cũng nghèo theo. Bàn, ghế được làm riêng rẻ với nhau bằng các loại gỗ rẻ tiền. Nên chỉ vài tháng sau là tự động vênh lên, vênh xuống. Hộc đi đằng hộc, chân đi đằng chân, thậm chí có một vài bộ đã … “giã từ cuộc chơi” sớm. Thế là trước buổi học, các cậu nam tranh thủ đi thật sớm, nhắm mấy cái bàn, ghế còn tốt của mấy bạn nữ khiêng đổi qua. Đến khi vào lớp, phát hiện được thì đã muộn, đành phải ngồi học trên cái bàn không phải của mình với cái bụng đầy ấm ức, cũng có khi “mượn tạm” luôn của lớp khác. Tôi còn nhớ một câu nói cửa miệng rất vui được Thầy Hưng (Vật Lý) hay nói (mà rất ít khi nghe Thầy nòi đùa): “Bàn ghế tự thân nó không bao giờ tự mất đi, nó chỉ chuyển từ … phòng này sang phòng khác”. Tất nhiên là hôm sau, ai mất phải đi tìm cho bằng được mới thôi (không tìm lấy đâu ngồi?!). Tìm xong mang về. Hòa cả làng!
Lúc ấy, nhà để xe chưa xây dựng xong, nên các bạn có xe đạp đưa thẳng vào cạnh lớp học, phía sau, để tận dụng bóng mát của mái nhà. Bạn nào đi trước thì hoàn toàn yên tâm vì được để xe sát vách. Chỉ tội nghiệp các bạn đi sau phải để xe phía ngoài. Mấy tiết học đầu còn mát nhiều, mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Đến tiết thứ 4, 5 thì … bắt đầu nhấp nha, nhấp nhổm rồi. Nắng lên gay gẳt suốt 2 tiếng đồng hồ, một số xe bị xì lốp là chuyện thường tình như cơm bữa. Trưa tan học, vừa phải dắt xe tìm chỗ vá dưới cái nắng oi bức, đói bụng, thêm mấy câu chọc quê của cái đám … còn hơn cả “ma, quỷ” thì không tức … ói mới lạ! Lúc đó trước Trường mình còn vắng vẻ lắm, phải đi cách cổng trường gần 500m mới có chỗ bơm, vá xe các bạn ạh! Riêng thằng tôi (và một số ít bạn khác) thì hổng cần phải lo lắng, vì … tôi đi bộ mà!
Nhắc đến đây tôi lại nhớ về một người bạn nữ cùng lớp 10C (82-83) ở Phước Sơn – Đức Hiệp. Tên nàng: Hoàng Thị Kim Phương. Tuy quan hệ chỉ là bạn bè, như những người bạn khác. Nhưng giữa chúng tôi mối quan hệ dần dần hình thành đậm nét hơn và đã để lại trong tôi những ký ức rất ngọt ngào của cái tuổi mới lớn. (Chí ít, tôi nghĩ thế!). Sáng sáng, tôi đi bộ từ Phú An xuống rất sớm (nhỡ không có ai để đi nhờ thì cũng còn kịp giờ học chứ!). Khi xuống khỏi Chợ Vom là thường tôi gặp Phương đứng chờ. Cô ấy cho tôi đi nhờ xe trong suốt gần cả học kỳ I năm học ấy. Thế mà chưa một lần Phương cho tôi chở, cho dù sáng hay trưa. Có lẽ do thấy tôi người bé tí tẹo?! Mà lúc ấy cái Dốc Thình Lình cao ơi là cao, không phải ai cũng đủ sức để đạp xe lên dốc đâu. Vậy mà Phương cứ tỉnh rùi rụi, bắt tôi ngồi yên trên xe và … vèo vèo, lấy trớn từ xa phi thẳng… Cho dù khi lên tới nơi, trước mặt tôi là cái lưng ướt lấm tấm mồ hôi và những hơi thở gấp. Vậy mà “cái thằng tôi” chưa một lần biết cám ơn cho đúng nghĩa, không một lời động viên, còn thầm tự hào rằng mình luôn có người đưa đi học nữa chứ! Ký ức mãi còn đọng trong tôi về Phương: nụ cười luôn rạng rỡ, tiếng hát ngọt ngào và đôi mắt to, đen, tròn, lóng lánh. Không biết giờ đây, bên góc trời nào Phương còn nhớ? Xin được mượn diễn đàn để nói với Phương một điều: Tôi nợ Phương một lời cám ơn và cả một lời xin lỗi chân thành mà tôi đã giữ nó trong lòng suốt thời gian gần nữa đời người.


Duycyclo- Cô Xanh và Huỳnh Tấn Thuyết
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”


VỤN VẶT … MIỀN KÝ ỨC ..…
MỘT CHÚT TÌNH RIÊNG!

Thấm thoắt thế mà đã sắp gần 30 năm – một nữa đời người như mọi người vẫn thường so sánh. Thỉnh thoảng tôi cũng hay suy tư và tự ôn lại quãng đời đã qua, quãng đời mà tôi là thằng “lang thang tử”. Nhưng ngẫm lại vẫn thấy quãng đời ấy quá đẹp! Và tôi vẫn tự hào rằng mình là người có rất,… rất nhiều những điều vụn vặt của ngày ấy để hôm nay khoe với bạn bè.
Các bạn còn nhớ TRẦN VĂN PHÚC 10C-11C-12C2?
Một ngôi nhà nhỏ nằm trên đỉnh đồi Mồ Côi - Thôn I, Đức Chánh - nơi sinh sống của gia đình Phúc. Thỉnh thoảng tui cùng một vài bạn cùng lớp ghé ngang và ăn cơm trưa, tối cùng mọi người. Có khi về nhà mọi thứ sạch sành sanh, cả lũ kéo nhau ra vườn tìm rau: đọt mì non, khoai lang, mồ hôi … nói chung kính thưa các loại rau có thể xơi được. Mang ra luộc với nồi cơm vừa nấu và chén mắm cái thơm nồng. Chỉ thế thôi nhưng sao ngon lạ! Ấm áp thế!
Và NGUYỄN BỖNG 10B-11B-12C2. Một anh càng có tính cách khá lạ, nhưng hiền lành và tốt bụng. Bống có những sở thích hơi khác người. Sau khi tốt nghiệp xong, nhớ một dạo về quê xuống nhà Bỗng chơi, thấy vườn khoai mì nho nhỏ bên nhà, tui chợt … thèm! Loại khoai mì Ấn độ xương xương, trắng trắng ăn vào dai dai, cảm giác hơi khang khác. Điều đặc biệt, anh chàng này thích nấu bằng … rơm, dù trong nhà đầy củi. 02 thằng ngồi ngay trong bếp vừa trò chuyện vừa chụm lửa. Từng nùi rơm nhỏ theo tay Bỗng tơi ra, khéo léo lần vào trong bắt lửa và reo tí tách. Tiếng tí tách thoát ra từ những hạt lúa lép còn vương lại. Hai bàn tay tỉ mỉ gạt từng nhúm tro tàn tạo cho bên trong bếp luôn thoáng đãng. Thỉnh thoảng chỉ có một ít khỏi trắng đùng đục theo gió bay lên nhưng không làm cho người ngồi gần cảm giác bị ngợp vì khói. Tôi ngây cả người! Quả là một nghệ thuật! Một “cha” siêu quần!
Mọi người còn nhớ TRẦN VĂN THƯ 12C6? Một vài đêm đầy kỷ niệm với ngôi nhà của Thư – năm gần giữa cánh đồng làng, hình như Xóm 2 - Đức Nhuận. Vào những đêm tháng 3, cánh đồng lúa đã được gặt. Sau khi cày (cuốc) ải, người dân xả nước vào ngâm để chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Đây cũng là mùa bắt ếch của những tay thiện chiến. Quả thật, ếch tháng 3 thì … mê tơi. Mập tròn, ngọt không thể tưởng! Lũ chúng tôi gồm: NGUYỄN NGÂN (C6), LÊ VĂN ĐỆ (C1), và một anh chàng ở gần đó chơi cũng khá thân với Ngân, Thư nhưng tôi quên tên mất. Thư là nhân vật chính. Một tay cầm cái đụt lớn, đèn chiếu bằng bình ắc quy đội trên đầu nhìn rất xa. Chỉ có Thư mới đủ khả năng phát hiện đốm sáng nào là mắt của ếch và của các loài côn trùng khác. Còn chúng tôi thì chịu! Toàn là những đôi mắt … bồ lạch, cứ “nhìn gà hóa cuốc”. Sở hữu vóc người không cao, hơi nhỏ con, nhưng có lẽ đã quen, nên “thằng cha” Thư đi rất nhanh. Lũ chúng tôi gần như phải chạy theo mới kịp. Thế là bước thấp, bước cao rượt theo, bất kể gai cào, đất lún. Có những lúc bước hụt vào vùng đất lõm hay bước nhầm lên tảng đất mềm làm hụt bước chân đau nhói cả người. Nhưng điều đó chẳng làm ai nản chí, bởi trong đụt mà Thư đang cầm ngày càng thêm nhiều tiếng kêu của những chú ếch. Phải đến tầm nữa đêm chúng tôi mới quay trở về. Rửa ráy qua loa, vội vàng để chuẩn bị cho bữa khuya. (Lúc ấy nhìn xuống chân mới thấy cơ man nào là những vết trầy sướt và cảm giác đau, buốt mới bắt đầu hành hạ). Phải nói rằng mấy anh chàng này … cực giỏi. Vào bếp chẳng thua kém chị em là bao. Chỉ khoảng hơn 30 phút, nồi cháo ếch đặc sệt, nóng hổi, thơm lừng được mang ra và … xì xụp và … rôm rả chuyện trò. Giờ mới thèm cái cảm giác đó, đời người mấy khi có được?!
Thêm một tí về ngôi nhà HUỲNH TẤN THUYẾT 12C6 – Chắc chắn ông còn nhớ! Tiếc rằng ngôi nhà ấy giờ đã không còn.
Cái sân thượng của nhà Thuyết – nơi cũng thường xuyên được .. “quấy phá” bởi đám tụi tui: LƯU VĂN THƠM (VĨNH), NGÔ VĂN NHỰT, TRẦN XUÂN PHÚ, NGUYỄN VĂN HUÂN… Tụ tập học hành chẳng có là bao, thời gian chủ yếu là ngồi chuyện phiếm. Lúc ấy chả có cây đàn ghi ta nào nhưng phong trào âm nhạc cũng … đáng nể. Thuyết nhà ta lôi ra vài cái nắp xoong, một vài cài thùng, xô bằng nhôm và cả bằng nhựa. Tui nhớ tui là … “tay trống” thưở ấy. Chỉ có thế nhưng cũng rộn ràng cả lên, đến nỗi tiếng vang đồn đến “cha” Thiều 12C6. “Cha” lên xem thử “thằng cha” nào “cả gan” chơi trống bằng … xoong nồi. Vì lúc đó nhà Thiều có một dàn trống thật và cũng là một tay chơi cự phách, nổi tiếng Xóm Bầu – Đức Chánh mà lị! (Cũng may là Mẹ của Thuyết dễ chịu, thương đám con cháu, chứ kiểu đó, không … đuổi ra khỏi cửa mới là lạ!).
Thường thường lũ chúng chơi xong leo lên sân thượng ngủ. Có hôm, trời mưa nhè nhẹ, cả bọn bảo nhau: “Ráng nằm, tí hết mưa giờ”. Mưa nặng thêm một tí, cũng … còn ráng. Đến khi nước trút xuống ào ào, cả lũ ướt như chuột lột, thi nhau bu qua cây hoa Ngọc lan già trèo xuống (tôi nhớ có một cái thang nhưng đâu có đủ cho cả đám cùng trèo?!). Thế là vừa bị ướt lạnh, vừa bị mắng cho một trận. Hi hi hi…! Nhớ đời!!!

............................
… Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”


VỤN VẶT … MIỀN KÝ ỨC ..…
MƠ MÀNG VỀ MỘT CHIẾC ÁO



Thưở ấy, Lớp 10C – 11C phải nói là … “quậy” cấp 8. Năm lớp 10 (1983-1984) Thầy Sơn (Vật Lý) Chủ nhiệm, Thầy ưu ái và thương bọn tôi dễ sợ! Nhất là mấy chàng … cầu thủ bóng đá của lớp. Điểm mặt anh tài, tôi còn nhớ: TRẦN NHƯ PHÚC (Đầu đàn đấy), CHẾ VĂN DUY, LÂM QUANG CƯỜNG, NGUYỄN VĂN NGHĨA, HUỲNH TẤN THUYẾT, NGUYỄN VĂN HUÂN, LƯU VĂN THƠM (VĨNH), NGÔ ĐỨC THÌN, PHẠM VĂN TÍN, QUÁCH VĂN HỒNG, HUỲNH CẤM, PHẠM MINH TÂM, ĐOÀN THANH SEN, TRẦN VĂN PHÚC, HUỲNH VĂN KHẢI (DỰ BỊ), BÙI ĐÌNH PHÁP (DỰ BỊ), NGUYỄN ĐỨC DUY ( CŨNG DỰ BỊ … NỐT).
Khối lớp 10 năm ấy học vào buổi chiều nên các trận bóng đá thường diễn ra vào buổi sáng. Sân vận động Đức Thạnh là nơi từng diễn ra các trận đấu “ác liệt”. (Nay sân này đã thuộc khuôn viên của TT Y tế Mộ Đức). Và các trận bóng đá thường không phải … chay, “cá độ” hẳn hoi. Đặc biệt lớp tôi có dàn cổ động viên … Nữ hết ý luôn, vì thế nên diến biến các trận bóng thường diễn ra rất hào hứng, quyết liệt. Nhưng thời buổi ấy có mấy ai khá giả, nên kèo cá độ thường là … 100 cây cà-rem của quán nằm ngay kế bên Chợ Thi Phổ lúc trước. Cà-rem thưở ấy chắc giờ này tặng cũng chẳng ai thèm, nhỉ?! Nó được làm bằng nước, đường đen, bột mì và một ít đậu đen. Nhìn màu xin xỉn, xam xám, nhưng như thế cũng đã sang lắm rồi! Thậm chí có một số que, bột pha còn chưa tan, cắn vào mồm còn nghe lợn cợn. Đậu đen có hạt nấu chưa chín cắn vào nghe cái … “cốc”. Thỉnh thoảng có mấy vị la toáng lên: “Ối cha, mẻ răng tui rồi!”; “Trời, còn nguyên cục bột nè, đổi cây khác đi Bà chủ” …v…v… Cả 2 đội thắng hay thua đều râm ran với những giọng cười giòn tan và thưởng thức những que kem quê mùa trong cái không khí đầy tình hữu nghị đó.
Có một chuyện mà thời gian ấy lớp chúng tôi gần như … mê tín! Chả là thế này. Đoàn Thanh Sen có một chiếc áo thun dài tay, màu xanh dương đậm, khá đẹp mà Cu cậu chỉ mặc đi học vào những ngày khi những cơn gió bấc của mùa đông kéo về. Không biết từ lúc nào, có trận bóng đá là Sen thường mang theo cho Trần Văn Phúc mặc để làm thủ môn cho … oai! Và gần như trăm trận trăm thắng, thật đấy! Thậm chí chúng tôi còn nổi danh vào cả trường Mộ Đức I kìa. Lớp 11D cũng thuộc diện “oách” của trường trong đá với chúng tôi 50-50 mà. Các hảo thủ khi ấy tôi nhớ: HUỲNH ĐĂC ĐẠT (Nay ở Đà Nẵng), TRẦN VẰN TUẤN ( Anh của Trần Văn Phúc), TRẦN KIỂU (ĐỨC CHÁNH), VÕ VĂN HƯNG (ĐỨC HIỆP). TRẦN TUẾ (ĐỨC HIỆP). Vậy mà hôm khi vào đá giải toàn trường, bị loại ngay từ vòng đầu tiên, thế mới đau!
Sáng hôm đó, Sen nhà ta phải dậy từ rất sớm, ra đồng giúp gia đình đạp nước cho đầy đám ruộng mới được đi đá bóng. Hình như có một, hai vị từ Đức Thạnh phi ra Đức Chánh hỗ trợ cho Sen để nhanh chóng hoàn thành công việc thì phải?! Vào đến nơi trễ một tí, bị đội trưởng xạc cho một trận nhè nhẹ (Sen là hậu vệ chủ chốt của đội, một cầu thủ khá quan trọng). Nhưng điều tai hại nhất là khi đi, vội vộ,i vàng vàng nên đã quên mất … cái áo màu xanh - cái áo mà với chúng tôi là bùa hộ mạng - ở nhà. Không biết có phải vì điều đó hay không, mà chúng tôi thua tan tác (3-0). Lúc ấy thì Đội trưởng Trần Như Phúc mới được một trận xả xút-páp. Quạt tơi bời. Ngay cả Chế Văn Duy là người chơi rất tốt cũng bị xạc. Mọi người tiu ngỉu, thấy buồn nảo cả lòng! Và rồi tất cả cùng … đổ thừa tại hôm nay mình không có cái áo, nếu không thì …?!

… (còn nữa)
DuyCyclo
Nguyễn Đức Duy

CÀ KHỊA … NHỚ!
(Mạo muội Thân tặng thangcu. Nếu có mắng, thằng tui xin chịu tội!)

Hỡi thangcu, tui phục lăn ông sát đất
Ông nhớ tùm lum, ông nhớ … sạch sành sanh!!!
Nhớ con trăng non, nhớ bến nước yên lành
Từng con phố, ngôi nhà, vườn cây trái
Nhưng càng nghĩ trong tui … càng nghi ngại
Biết được đâu ông có nhớ … “trật đường rầy”?!
Tui trải mình tâm sự chút gió mây
Xin Quý vị rộng lòng tha thứ

Nắng Sông Thoa vẫn còn làm ông nhớ?
Hay nhớ nàng Niêm Trà có cái nụ cười duyên?
Và tiện đường đi xuống, đi lên
Ông nhớ luôn nàng Kiều Thu dưới đó?
Nhớ Thi Phổ biết bao lần lội bộ
Hay ông nhớ nhầm qua cô bạn Tường Vy?
Cống Thời xưa ông nhớ từng … ngồi lỳ
Hay để nhớ nàng Kim Huyền đài các?
Cống Ông Liếu chắc cũng từng lang bạt
Hay ông nhớ qua nàng Hồ Nữ Kiều Nga?
Ngẫm thơ ông tui cảm thấy … nhớ hơi xa
Vì cái nhớ nó muôn hình vạn trạng
Lặng lẽ một mình ông lướt về Bầu Súng
Nhớ cái Bầu hay nhớ Trương Ngọc Mai
Quay trở lên chút xíu … Thôn Hai
Chắc ông nhớ nàng Kim Hương thùy mị?
Về Quán Lát đã … phờ râu một tí
Nhớ Kiến Khương đà mỏi gối chồn chân???
Nhủ trong lòng vẫn còn nhớ Văn Bân
Hay ông nhớ nàng Lê Thêu kiều diễm?
Nhớ Thầy Lầu ngày xưa con dốc hiểm
Mưa Bến Thóc la đà còn ước đẩm bờ vai
Hay ông nhớ nhầm nàng Đặng Hạnh tóc mai
Mắt lúng liếng làm hồn xiêu phách lạc?
Nhớ mây trắng phủ trên đầu Núi Bạc
Nhớ Yên Mô, Lỗ Lội, Dương Quang
Nhớ những con đò từng đưa sáo sang ngang
Hay ông nhớ thẩn thờ nàng Bích Phượng?
Ôi cái nhớ! Đủ bốn phương tám hướng
Nhớ chiều Năng An nặng nhẹ bước quay về
Nhớ trưa nghiêng nghiêng soi bóng Bồ Đề
Hay ông nhớ nàng Kim Oanh tóc tém?
(Nói nho nhỏ mình ông nghe thôi hén
Nhớ nàng ni Nguyễn Ngân nó “oánh” … chết liền)

Còn biết bao nàng mà tui chẳng nhớ tên
Ai biết chỉ dùm cho thangcu một tẹo!
Kẻo phương xa hắn thẩn thờ úa héo
Trách thằng tui sao không đưa lối chỉ đàng
Oan … oan … oan…! 


Nguyễn Đức Duy (DuyCyclo)

Không có nhận xét nào: