Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Trang thơ của Nguyễn Xuân Hoàng







 LGT: Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 30-8-1966, Là người con của vùng quê Long Phụng, Đức Thắng, Mộ Đức, Quảng Ngãi - Cựu học sinh của trường Mộ Đức 2 NK 1983-1986, tốt nghiệp Đại học văn khoa Huế. Nguyên Phó Trưởng phòng chương trình Đài PTTH TT.Huế, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp VHNT TT.Huế, ủy viên thường trực Hội Nhà văn TT.Huế, Trưởng ban Biên tập TCSH, Thư ký Chi hội Nhà báo TCSH đã đột ngột qua đời ngày 16 -12-2006 tại Huế.




Trên chiếc bàn thương tật
Anh làm
Những bài thơ thương tật
Ngoài kia người phu quét đường
Thương tật đôi bàn tay
Ngững bài thơ của anh
Có thuốc thang được gì cho tâm hồn
Có làm nguôi ngoai những đứa trẻ thơ mất cha
Bởi cơn bão chanchu
Có làm bớt đi một vòng khăn tang
Trong vô số những vòng khăn tang trắng xóa
Có thêm được không một chén cơm đầy
Cho bà mẹ trẻ nghèo có con đang khác sữa
Và trên lòng bàn tay gầy vàng võ
của gã đàn ông
mù ăn xin
Có thêm một đồng bạc kẽm
Đứa bé không cha mẹ đứng ngoài
Khách sạn năm sao
Có thêm một chiếc bánh mì.

Anh làm những câu thơ thương tật
Những bài thơ thương tật
Trên chiếc bàn thương tật
Làm chi
Nếu đời anh không thương tật

17/06/2006




Nếu
Nếu một ngày không còn em nữa
Anh sẽ ra sao giữa cõi đời này
Một mình anh, một mình thôi
                                                Lặng lẽ
Đợi em về. Đêm.  Tuyệt tự vòng tay

Anh sẽ đi con đường ngày xưa
Có dấu chân em nhạt nhoà bụi nắng
Anh sẽ hôn lên môi mình
                                                Thầm lặng
Hương ngọt ngào ngày cũ môi em

Rồi cũng phải ăn như mọi lần đến bữa
Rồi cũng phải say khi gặp gỡ bạn bè
Rồi phải sống nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều hơn nữa
Vì ta còn hẹn gặp đêm nay.

Nếu một ngày không còn em nữa
Anh sẽ ra sao ở cõi đời này?
Phương ấy
Phương ấy em về mặt trời thôi đỏ
Hoa huyết dụ lên hương, mây rải trắng con đường
Hàng phượng vĩ già nua, tàn tạ
Đổ tơi bời hương lên vai người thương

Phương ấy em về
Hoàng lan khát mộng
Trắng nhớ mong một nỗi yêu thầm
Con cò lửa phải lòng cây ngô đỏ
Say tình lội cả mùa đông.

Phương ấy em về, sương mù rẽ lối
Dị thảo rấp đường không cho tình lang đi
Ngâu đổ bụi, chim sẻ buồn mắt ướt
Bạc trắng đầu một chiếc cầu mưa.

Bất chợt
Một ngày em không về
Phía ấy không còn chi nữa
Con cú hoa xưa
Khàn cổ gọi bạn tình.
Có ngày
Có ngày buồn vắng em
Ta khóc cười vô lượng
Có ngày đau say mèm
Mơ cánh hồng nở muộn.

Có ngày đi thập thững
Lòng chợt vui chợt buồn
Thành nội mù xa gió
Quỳnh trong đêm ngát hương.

Có ngày đi tìm mình
Một chút tôi lặng lẽ
Cầm ngậm ngùi trên tay
Nghe Mạc ly thầm nở.

Có ngày ơi buồn quá
Lòng đau như hoa rơi
Rụng từ năm tháng ấy
Nhuỵ còn trong chút tôi...
28.3.2002

(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002) 

VIẾT TIẾP CÂU CHUYỆN VỀ THƠ

Giữa ngả nghiêng bia rượu
Anh viết những giòng thơ say
Lảo đảo nỗi niềm thức - ngủ
Ngả nghiêng say - tỉnh tháng ngày
Đọng lại gì
Lắng lại giữa hơi cay …
Hay tràn đổ chết chìm trong men đắng
Giữa mỗi cơn say
Có gì anh uất nghẹn
Lời không ra, anh thả nổi mây ngàn
Cụng những ly bia vàng sủi bọt tràn
Chẳng lẽ chỉ đệ huynh, bạn hàng, đối tác, hợp đồng … qua mỗi độ
Chẳng lẽ cứ buồn vui cuộc nối cuộc, độ nối độ để ngày qua
Chẳng lẽ mỗi dăm ba duyên cớ ta gặp nhau nhậu tràn cho đỡ nhớ
Rồi hôm sau đợi độ lúc chiều sang
Lại “mến thương tình thương” nghiêng ngả đến trăng tàn
Giữa ngả nghiêng bia rượu
Anh viết những giòng thơ say
Lảo đảo nỗi niềm thức - ngủ
Ngả nghiêng say - tỉnh tháng ngày
Đọng lại gì
Lắng lại cuối những cơn say …
Còn gì cuối những mây bay
Sau Trăng cuối Nguyệt lắt lay …
Còn gì …


thangCu
(ngày hai ba tháng năm năm hai ngàn mười một)



.

... những câu chuyện về thơ vẫn còn mở ngỏ
Đợi buồn vui mây gió tiếp một vài ...
...
..
.

CÂU CHUYỆN VỀ THƠ SAY

Giữa cuộc rượu đẫm men say
Anh làm
Những vần thơ say
Ngoài kia mây trời chếch choáng
Ngả nghiêng cỏ lộn lèo mây
Những vần thơ anh viết
Chẳng cuồng say đổ đất nghiêng trời
Chẳng điên đảo lộn lèo nhật nguyệt
Những vần thơ anh viết giữa những cơn say
Có ai hay
Anh viết những điều vô cùng đơn giản
Nhưng gai góc sần sùi nổi loạn
Những điều ai cũng hay nhưng không ai mở miệng
Đến những cõi “thiêng liêng” có ai đụng đến bao giờ
Có ai hay …
Những tháng ngày nơi quê nhà anh đó
Bạn bè anh say
Hàng xóm anh say
Con cháu anh say
Lênh láng thơ say từ trong nhà ra ngoài ngõ
Có ai hỏi vì sao đời có lắm thơ say
Có ai biết
Thơ không say anh viết giữa những cơn say
Có ai hay
Bởi anh chỉ có thể giữ cho riêng anh
Say - tỉnh tháng ngày
Những vần thơ say không nghe mùi bia rượu
Làm sao nói được cùng ai


thangCu
(ngày hai bảy tháng năm năm hai ngàn mười một)

Quote Nguyên văn bởi huuphupq Xem bài viết

Anh muốn làm những vần thơ say
Giữa bề bộn giòng đời điên đão
Nên chăng?
Anh lại nghẹn lời hay một ai mách bảo
"Cơm, áo, gạo, tiền" phù phí tuổi thanh xuân?!
Hay chăng, một vài giòng anh nghẹn
Bởi "cỏi thiêng" hay bản ngã bản năng?
Anh thả những vần thơ say
"Trên chiếc bàn thương tật"
Lỗi nhịp cung đàn
Âu mỗi lúc anh say!

Hỡi ôi!
lỗi
nhịp
cung đàn

Tiếng tơ đồng
rớt
muộn màng không anh
  

Quote Nguyên văn bởi thangCu Xem bài viết

Đi như Xuân Hoàng thì sao mà trở lại
Mặc ngàn sao vung vãi chốn trần gian
Mặc tình ai ai vướng bận cưu mang
Mặc áo cơm ai khổ lụy hình hài …
Mặc tình ai tỉnh ai say
Ai cơn túy lúy, ai bày đảo điên …
......

thangCu
 
 ... và đây là một đoạn "Tùy bút" của Nguyễn Xuân Hoàng

Mai Bá Ấn và trụi trần một khúc đành hanh


Sức sống của thể thơ lục bát cho đến nay không có gì phải bàn cải. Nó trường tồn cùng cây đa, bến nước, sân đình. Nhìn lại lịch sử văn học sau ca dao, thơ lục bát trường cửu cùng với Truyện Kiều, thơ Nguyễn Bính và sau đó là Bùi Giáng, Nguyễn Duy... Đang bình thản và suôn sẻ, chợt một ngày sau Nguyễn Du, thể thơ cổ điển ngọt ngào này đã vấp phải một hiện thực khắc nghiệt, đòi hỏi phải bụi bặm hơn, đời hơn để đến với cuộc đời. Đọc tập thơ “Lục bát làm liều” của Mai Bá Ấn, tôi đã tìm thấy rất nhiều bụi bặm trong những con chữ đa đoan của anh. Những câu thơ dường như không chịu ăn mặc chỉnh tề, cứ như vậy mà đi tưng tửng vào đời:

Trụi trần

một khúc đành hanh

Yêu nhau nói trớt

hóa thành giản đơn

và:

Vậy rồi mình ngồi mình buồn

khi không chẳng lẽ lệ tuôn bá xàm

Để đưa được những “đành hanh”, “trớt”, “bá xàm”... kia vào thể thơ lục bát quả là không dễ tí nào nếu tác giả không thực có nghề. Mai Bá Ấn đã làm điều đó như không. Anh bay lượn, anh nhảy cà tửng, anh đi chân thấp chân cao, có khi chỉ là là mặt đất mà giai điệu thơ cứ nhức nhối xốn xang:

Đường đời hút nẻo xa xăm

thế gian thì thẳm thằm thăm lọc lừa

Còn em lau lệ xong chưa

cố vui mà sống cho vừa lòng nhau

Với “Lục bát làm liều”, Mai Bá Ấn đã cũng liều mạng một cách tài ba với những con chữ dân dã. Chính vì vậy anh đã thổi vào những con chữ nghèo xơ kia một cõi người ta thăm thẳm sâu. Đằng sau cái âm hưởng bài chòi của xác chữ và nghĩa câu có một tầng nghĩa mới như chính những giọt nước mắt được nén lại để chảy ngược vào trong:

Ta về gõ nốt nhịp tim

lấy tiền nhuận bút nuôi em sang giàu

hay:

Đời ta

một chiếc xe lam

hỏng hư hai bánh còn tham chạy hoài

Chua xót. Buồn bã. Rồi cà rởn tình tang. Đọc thơ lục bát của Mai Bá Ấn, đôi chân cứ rục rịch muốn chạy vào một cõi nào đó mà buồn, vui chỉ có riêng mình. Cố giấu đi những giọt nước mắt đã khô như ngói vỡ, để tự trào trong si dại một ngày hay dở với đời:

Đi lên Đà Lạt

tìm hoa

Về nhà

vợ giận hết ba bốn ngày

Cũng là vạ gió tai bay

qua cầu mới biết mới hay đoạn trường

Liều mạng với chữ nghĩa, Mai Bá Ấn cũng một hai liều mạng với tình:

Hôn liều em dưới hàng hiên

đôi chim se sẻ tập chuyền qua vai

Có lúc người ta thấy anh nhìn trộm, tha thít qua một bờ sông bãng lãng gió chiều:

Cho anh nhìn trộm một lần

bàn chân em... phút phân vân qua cầu

Hình như trong bước chân đau

cầu duyên bỗng hóa nhịp cầu chia phôi

Rồi cũng cái kẻ trộm đọc thơ anh đã bắt gặp anh:

Ba bốn năm sáu

lỡ làng

chín chiều đứt đoạn

tình sang trang rồi

Giấu cái lỡ làng một hai, câu thơ lục bát rơi cái ịch ứ hự như một gã thất tình bạc mày bạc mặt vì yêu. Đi qua hết những ngậm ngùi, cái tan vỡ đằng sau sự liều lĩnh là một tan vỡ nồng thắm. Nó khiến trái tim đập hoài những cơn đau mê muội. Còn lại chăng là ánh hồ quang nuối tiếc mỏng manh trong cõi vô thường:

Gió qua sông rộng mất rồi

nghìn tiếc nuối... cũng đành thôi vậy mà

Có một nhánh suối lẻ chảy chậm và buồn qua “Lục bát làm liều” đó là gánh nặng áo cơm mà từ đời tu huýt Tản Đà, Xuân Diệu đã nói đến. Hàng ngày “bán chữ” trên bục giảng, Mai Bá Ấn đã đến với thơ ca cũng nhọc nhằn như thể lúc làm thầy. Thơ anh thật buồn những lúc phải hạ đôi cánh thiên thần xuống cánh đồng cơm áo. Lời tâm sự lúc này sao quá đỗi xót xa:

Cúi xin em

những nợ nần

vay em từ lúc

thơ cầm trên tay

hoặc:

Áo cơm như một ngọn roi

quất ba - con ngựa đã còi hết xương

Và con ngựa đã còi hết xương ấy vẫn buồn vui đi cà tửng giữa đời để hí lên trong cô độc những tiếng thơ lục bát tài hoa...


Huế, ngày mưa lớn 2003
(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quảng Ngãi, số đặc biệt 2003)

Không có nhận xét nào: