Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Tôi có những thằng bạn thân!

Không phải là người văn hay chữ tốt nhưng sao tôi vẫn muốn viết, viết để ghi lại những gì mà một thời chúng tôi đã sống trải nghiệm để đến ngày hôm nay tôi có thể tự hào rằng may mắn cuộc đời đã cho tôi đã có những thằng bạn như thế.


Tuổi thơ

Những năm học cấp 1, cái thời sau 1975 đất nước vừa thống nhất, thằng Phúc theo Ba Mẹ sống tận Đà Nẳng về quê, thằng Điểm theo quê ngoại nhập tịch tại trường tôi, thằng Minh luôn ở nơi chôn nhau cắt rốn, còn tôi cái thằng cù lần được Ông Nội nuông chiều …tất cả qui tụ vào lớp 1 của Cô Vân chủ nhiệm. Vỏn vẹn bốn tháng học bù cho những ngày chiến cuộc liên miên, chúng tôi bước vào lớp hai. Mấy thằng ranh con nhỏ nhất lớp ấy làm sao có thể nghĩ rằng chúng trở thành những thằng bạn thân. Những kỷ niệm, những vui buồn hờn giận cứ quay tròn theo những trò chơi xưa cỗ như những viên sạn vun đầy thành núi cao cho một tình bạn ngày hôm nay. 

Trường tiểu học Năng An
 Đất nước thời khốn khó, hạt gạo không đủ ăn, quần xà lỏn trưa hè bên dòng sông Vệ, những chú tôm càng xanh lọai tôm mà hôm nay cho là của quí chúng tôi thích là có, cứ ôm một mảng đất sét lớn lật ra từ bờ sông ném mạnh vào khe hở của mạch đất ven sông, thế rồi lôi ra vài ba chú tôm càng xanh, cứ để nguyên làm sạch vỏ nhai ngon lành. Tắm sông cũng là một điều thú vị chắc hẳn lớp trẻ ngày nay phải thèm muốn, dòng sông ngày xưa sạch sẽ và nên thơ biết nhường nào: “Tắm sông trưa hè, ngủ võng bờ tre” là chuyện thường ngày của chúng bọn tôi. Dòng sông Vệ đoạn chảy qua xóm 10, Đức nhuận còn có tên gọi là bến “Bà Bình” cái tên mà trong “Đức Nhuận một tình thương” của thầy Ngô Hữu Chiến đã từng nhắc đến gắn liền một thời với lớp trẻ ngày nào- Ngày xưa đẹp lắm, một vực đất 2 tầng vừa bước trên xuống là thảm rau muống, rau lang, bước xuống vài ba bậc là đến dòng nước xanh biếc, nước sâu hơn mét. Có nhiều cậu nhỏ vô tình uống cả bụng nước cũng vì chỗ này. Một cảm giác lâng lâng khi nhớ lại những kỷ niệm ngày ấy. Xong mỗi buổi lao động đám bạn lại ùa ra dòng sông, men theo bờ rào trường lách theo vạt mía là tới ngay bến tắm. Cái nghịch ngợm của tuổi học trò ngày ấy rất vô tư để rồi còn ghi lại là kỷ niệm đẹp, nhìn bọn trẻ bây giờ không được chơi đùa cùng dòng sông, những trò chơi dân gian lòng sao cứ thấy buồn buồn.


Đêm đến, bên ngọn đèn dầu lại tham gia học nhóm mà đôi khi phải dùng đèn mù u, không biết lớp trẻ ngày nay có cậu nhỏ nào biết đèn mù u không nhỉ? Trái mù u được đập ra xẻ đôi được xâu lại bằng tăm tre dài, khi đốt bay mùi nghe hăng hẳng tới giờ tôi vẫn còn nhớ. Những mái đầu trẻ thơ tụm năm tụm bảy trong đêm, học được cái chữ ngày ấy quả thật gian biết nhường nào.
Thầy cô giáo ngày ấy thì cũng chịu cùng cảnh khổ như ai, “Đất nước mình thời khốn khó” mà, “Xe đạp cà tàn ngày hai buổi đến trường”, những tem phiếu được chia cấp theo mức lương nghèo không đủ trang trãi cho cuộc sống.
Năm 1979, chúng tôi bước vào lớp 5 cũng là những năm đất nước mình bước vào giai đoạn khó khăn nhất, hai đầu biên giới là chuyện của lớp cha anh phải lo nhưng sắp nhỏ bọn tôi vẫn cứ ngong ngóng lo giặc giã, nào đào giao thông hào quanh trường, tập quân sự. Thầy Lê Quang Minh là hiệu phó lao động của trường chỉ huy đào giao thông hào, nghĩ lại bọn mình như những chú bộ đội thực thụ. Chu vi trường trên dưới 400m giao thông hào được hình thành với những cậu học trò lớp 4, lớp 5, chắc hẳn rằng các cô cậu nhóc ngày nay có vắt óc nghĩ cũng không ra. Một thời khốn khó nhưng con người ta có một cái gì đó gần gũi, một cảm xúc mà đôi khi mình non nghĩ cứ trách cứ bọn trẻ ngày nay. 


Đoạn Sông Vệ chảy qua xóm 10, Đức Nhuận có Bến Bà Bình

Đúng là:
Bao ngày dội nắng, dầm mưa
Lại về đây, lũ trò xưa một thời
Bước vào cấp 2, chúng tôi giã từ những chiếc quần xà lỏn- mà đôi khi cả những đôi chân chim (đừng cười vì ngày xưa mà). Bọn tôi vẫn học tại trường cũ do cơ chế ngày đó 2 cấp phổ thông cơ sở chung một BGH trường, vẫn những Thầy cô giáo cũ và tiếp xúc nhiều với những Thầy cô giáo dạy những từng môn học, rồi những đoàn Thầy cô giáo thực tập của Trường CĐSP Quảng ngãi. Một không khí mới nhưng chung qui vẫn là những năm tháng khó khăn, lũ bạn tôi những thằng cọt nhất lớp lại phải thể hiện mình là những “đội viên khăn quàng đỏ” gương mẫu cho một lớp đàn em học cấp 1. Nói thì nói vậy chứ ngày ấy học với nhau cùng một lớp chứ lớn hơn cỡ 4-5 tuổi là chuyện thường ngày ở xã. Thế là bốn thằng nhóc Phu, Điểm, Minh, Phúc của tôi được phong tứ cọt của lớp 6D và nhập lớp với một số bạn bè ở các xóm khác, được Thầy Trần Hồng Đương làm chủ nhiệm, sau này thầy chuyển công tác thì Thầy Sáu chủ nhiệm.

Một phần vì kinh tế khó khăn và cũng nhiều nguyên nhân nên 4 lớp 6 ngày ấy khi lên lớp 9 chỉ còn lại 2 lớp, một sự tập hợp của các chú nhóc như bọn tôi lại thêm có bè: Triều A, Tâm cọt nên từ “Lục cọt” ra đời. Giờ nói ra thì vẫn là kỷ niệm, những kỷ niệm với các cô bạn thường thường lớn hơn mình cả 2, 3, 4 tuổi, cái ngày mà bọn chúng tôi wậy tưng bừng vì các trò chơi trẻ con thì các cô đã biết yêu rồi, có lẽ ngày xưa nhà thơ Nguyên Sa không sai tí tẹo nào khi viết bài “Tuổi 13”. Mấy thằng tôi vừa học vừa chơi, các trò chơi dân gian bắn bi lỗ, đánh đố, đánh dụ trong những giờ chơi và có cả đấu vật …. mỗi ngày ấy mãi là niềm vui. 



Sông vệ

Đình Cũ Năng an, nơi một thời là UB Xã Đức Nhuận, những đêm xem chiếu phim là cả một ước ao của bọn trẻ ngày ấy, thế mà vào những năm 1981-1982 cả sáu thằng “Lục cọt” chúng tôi lén Ba Mẹ đèo nhau trên những chiếc xe đạp cà tàn ra tận rạp xi- nê Hải Vân, Hòa Bình xem bằng được bộ phim cải lương “Kiều Nguyệt Nga” để thực tế truyện thơ Lục Vân Tiên, kết quả cu cậu cọt nhất là Minh khi tôi chở trên đường về bị bánh xe ăn nát gót chân, hú hồn nhưng chưa phải là nặng lắm.

Những năm học Phổ thông cơ sở là những năm tháng vô tư nhất của một đời người, mà có lẽ đúng nhiều với tôi. Những năm tháng vô tư hồn nhiên ấy mãi mãi đi cùng chúng tôi để mỗi lần gặp nhau cứ như là những đứa trẻ ngày nào, vẫn láu cá, vẫn kêu những cái tên được đặt từ thời ấy, được thèm ăn kẹo mật đường …. nhâm nhi vài ba ly để rồi ôn lại kỷ niệm những năm tháng ấy của bạn bè tôi.


Riêng, chung bề bộn dòng đời
Hiếm hoi có dịp được ngồi cùng nhau...

Tình bạn không có khuôn mẫu, càng không có chuẩn mực nhưng luôn có những điều rất nhỏ nhặt để tôi nhận ra bạn trong đám đông… May mắn trong cuộc đời, tôi đã gặp những thằng bạn mà đến giờ trong tâm tư mỗi đứa đều không quên nghĩ về nhau.
27/01/2011

Vào Lớp 10



 
Vào lớp 10 là ước ao của bao bạn trẻ ngày ấy, có những nỗi niềm riêng khi những cô bạn học thời phổ thông cơ sở thi trượt, những “ông bạn già” đành tạm chia tay với chuyện học hành, có bao nhiêu đứa theo cha mẹ đi vào nam lập nghiệp còn đám bạn của tôi may mắn ngồi lại với ghế học đường.
Với bao nhiêu suy nghĩ trong tôi, có cả niềm vui xen lẫn niềm kiêu hãnh, sự thẹn thùng bỡ ngỡ và một chút lo lắng…. Bấy nhiêu cảm xúc của những ngày đầu tiên đó dưới mái trường THPT chắc chắn sẽ đọng lại mãi trong lòng tôi như một dấu ấn không thể phai mờ …
Mộ Đức 2 ngày ấy, một buổi chiều đẹp trời, những thằng bạn thân với niềm vui trọn vẹn bước vào ngôi trường mới, bạn mới, Thầy Cô giáo mới. Cổng trường giờ đã đổi thay, phòng học ngày đầu tiên tôi vào học vẫn còn đó, người Thầy năm xưa vẫn còn lên bục giảng dạy cho lớp con cháu của những đứa học trò như tôi mà lòng cứ ngỡ hôm qua vừa bước vào lớp học. Một ngọn đồi trơ trọi, hàng bạch đàn chưa đủ sức để chịu ngọn gió thu. Nhìn lên đồi còn loan lỗ dấu ấn của một công trình xây dựng vừa hoàn thành. Một may mắn lớn trong cuộc đời tôi bước vào ngôi trường Mộ Đức 2 là được gặp lớp Thầy cô ngày ấy tận tụy với đám học trò, được kết bạn với những người bạn trên cả tuyệt vời.
Ngày đó xa lắm rồi.....
Hôm nay ngồi nhớ lại
Bạn tôi cả trai lẫn gái
Một ngôi trường
Còn thơm mùi ngói
Sân còn trơn, bóng cây còn thưa

Thầy tôi đó
Mới ra trường
Người thương chưa có
Áo quần sờn cái thời khốn khó
Bục giảng, bảng đen, phấn lạ dạy trò.



Thầy Tường, Thầy Trang, Thầy Hoa và Thầy Chi gặp cựu HS MD2 tại Sài Gòn

Ba năm trung học đi qua thật nhanh, như cơn gió thoảng rồi đọng lại trong giây phút này là ta và một giọt thời gian rất khẽ. Có phải là "ta đi qua những năm tháng không ngờ”, "vô tư quá để bây giờ xao xuyến". Giờ cũng vẫn là ngôi trường Mộ Đức 2 ấy, cũng vẫn là những thế hệ thầy cô và bao bạn bè năm xưa nhưng tất cả giờ chỉ còn là hoài niệm!!!
Vào 10, sự nghiêm khắc của bậc phổ thông trung học, cái rạo rực của những thằng con trai bước vào tuổi mười lăm, mười sáu , lứa tuổi đã nhận biết những rung động trước bạn gái phần nào đó cũng đã làm giảm đi những trò nghịch ngợm của lũ bạn tôi. Ngày ấy nữ sinh trường ta chưa mặt áo dài, chưa có đồng phục nhưng sự nghiêm túc, dễ gần gũi hăng say trong những ngày lao động, đã kết dính chúng tôi hơn.
Những cây bạch đàn được vận chuyển từ Núi Đình cương về bằng những chiếc xe đạp, ao cá trước sân trường giờ này là sân bóng đá cũng do công sức của lớp học trò ngày ấy.
“Những năm tháng qua đi đã biến thành nỗi nhớ”.
Sự vụng về của một đám nhóc trước một cô bạn già dặn trước tuổi cứ lẫn trong tôi, một vài ông bạn lớn tuổi hơn cứ áp đặt những chuyện “không đâu vào đâu” vô hình chung đã tạo cho chúng tôi một sự khao khát trưởng thành. 


Một tấm hình do Thầy Võ Văn Trang cất giữ

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc,
Ao nàng xanh tôi mến lá sân trường ..... ” 


Mỗi khi có dịp nghêu ngao bài hát này tôi lại nhớ về trường xưa.
Thầy cô giáo ngày xưa từ khắp mọi miền đất nước về với ngôi trường mới này, Thầy Lĩnh ở tận Quỳnh Lưu, Cô Hương dạy địa lý ở Ninh Hòa; Thầy Tường, Thầy Bình ... quê ở Nghệ An, Quảng Bình giờ này đã là người dân Mộ Đức cùng một số Thầy Cô giáo tại địa phương vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống để cho ngôi trường Mộ Đức 2 có như ngày hôm nay.
Ngày ấy sự nghịch ngợm của đám học trò lớn tuổi không ít lần phải làm Cô giáo phải khóc nhưng mỗi trò nghịch có cái dễ thương trong đó. Sự gần gũi tận tụy của người Thầy đã làm cho chúng bạn tôi đến ngày hôm nay luôn hướng về nguồn cội kính trọng và tri ân. 

Thầy trò gặp nhau nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra trường
 Sống thật, sống hòa đồng cùng bạn bè là yếu tố nổi bật của lớp bạn tôi, vào cuối năm lớp 10, trong buổi liên hoan cuối năm, Thầy của tôi ngân ngấn nước mắt lên gặp BGH của trường để xin cho cậu học trò bị ở lại lớp nhưng vẫn vô tư ngồi đàn hát những bản nhạc về nghĩa Thầy tình bạn. Thầy từng tâm sự: "Đó là một nuối tiếc lớn trong đời làm Thầy giáo" và chúng bạn tôi đã hiểu: May mắn thay những năm tháng PTTH mình đã gặp được Thầy, cho đến giờ này mỗi khi gặp lại đám học trò xưa Thầy vẫn nói: “Thầy chưa quan tâm đến Kinh tế, hay những gì cả, chỉ hỏi các cô cậu có sống hạnh phúc với Vợ (Chồng) không?.....” Ý nghĩa sâu xa để ngầm nhắc nhở đến các học trò: Sống ở đời chữ Tình quan trọng biết nhường nào.
(còn nữa)


Nguyễn Hữu Phu

3 nhận xét:

Unknown nói...

chú viết hay quá

Unknown nói...

chú viết hay quá

Unknown nói...

chú viết hay quá